Philosophy

Tác Phong Của Việt Võ Ðạo Sinh

1 – Tác Phong Là Gì?

· Tác: làm
· Phong: phong thái (dáng vẻ)
· Tác phong: dáng vẻ làm việc và có liên quan tới sự làm việc như ngôn ngữ, cử chỉ, đối xử trong sinh hoạt môn phái và ngoài xã hội.
Tóm lại, tác phong là tất cả những gì biểu lộ ra bên ngoài của con người, như cách ăn mặc, đi đứng… Nhìn vào tác phong, người ta có thể biết ngay người đó là hạng người nào. 

2- Phải Giữ Gìn Tác Phong Vào Lúc Nào, Ở Ðâu? Tại Sao?
Phải giữ gìn tác phong ở mọi nơi, trong mọi trường hợp, vì mọi người thường nhìn vào tác phong của Việt Võ Ðạo Sinh để phán đoán và đánh giá phẩm cách của người môn sinh cùng danh dự môn phái. Cho nên Việt Võ Ðạo Sinh phải hết sức giữ gìn tác phong, gây được sự cảm phục của mọi người để trở thành người môn sinh gương mẫu, xứng đáng mang danh hiệu “Việt Võ Ðạo Sinh”.
Muốn thế, Việt Võ Ðạo Sinh phải luôn luôn trách điều xấu, làm điều tốt. 

3 – Có Mấy Ðiều Xấu Cần Tránh?
Có 5 điều xấu cần tránh :
– Tránh huênh hoang, tự đắc rằng mình là người “có võ” ở giữa đám đông, nhất là tại những nơi có tính cách giải trí công cộng, như: hàng quán, tiệm kem ….
– Tránh dèm pha thanh danh các võ phái khác, vì đó là một thái độ vô ý thức dễ gây ra những ngộ nhận để môn phái mang tiếng.
– Tránh mọi hành động khiêu khích, để người ngoài có thể hiểu lầm rằng môn phái ta chỉ cốt huấn luyện võ sinh đi gây chuyện với thiên hạ.
– Tránh mọi sự đụng độ vô lý, chỉ cốt “lấy le” với thiên hạ trong một lúc.
– Tránh tinh thần quốc gia quá khích, bài xích các môn võ do nước ngoài du nhập, dù người đối thoại là bạn thân hay người nhà. 

4 – Có Mấy Ðiều Tốt Nên Làm?
Có 5 điều tốt nên làm, là:
– Thực tập tinh thần Việt Võ Ðạo trong đời sống, để được sự mến phục của mọi người.
– Gây tinh cảm thân hữu với các võ phái khác, để họ hiểu ta, quý mến ta, sẵn sàng hợp tác với môn phái ta, trong việc phát triển võ đạo và võ thuật.
– Thấy việc phải làm ngay, không chờ người nhắc nhở.
– Dám đảm lãnh trách nhiệm, tận tâm giúp đỡ người, không so bì hơn thiệt.
– Ôn luyện, học hỏi không ngừng để tiến bộ. 

5 – Tác Phong Của Việt Võ Ðạo Sinh Có Giống Với Tác Phong Của Người Công Dân Không?
Không giống hẳn, nhưng vẫn có điểm tương đồng.
Ðiểm tương đồng: Dầu là người công dân hay Việt Võ Ðạo Sinh cũng đều chung một mục đích: Phục vụ dân tộc và đồng bào.
Ðiểm khác nhau: Người công dân có thể chỉ biết tới dân tộc và đồng bào họ, nhưng Việt Võ Ðạo Sinh, ngoài nghĩa vụ đối với dân tộc và đồng bào, còn có nghĩa vụ đối với môn phái và nhân loại nữa. 

6 – Tác Phong của Việt Võ Ðạo Sinh Khi Học Tập Ra Sao?
Có 3 phương châm cần phải ghi nhớ khi học tập, là: kỷ luật, kính thầy và yêu bạn.
Kỷ luật: trọng kỷ luật võ đường. Tại võ đường, từ lúc đến phòng tập, thay võ phục, học võ và thụ huấn tinh thần võ đạo, phải tự chứng tỏ là lúc nào cũng tôn trọng kỷ luật chung.
Kính thầy: lúc tới và sau buổi học võ phải chào võ sư và huấn luyện viên theo nghi thức Việt Võ Ðạo. Trong buổi học, chăm chú theo dõi, không làm ồn, để tâm trí tản mát. Tuyệt đối tuân theo lệnh của võ sư và huấn luyện viên.
Yêu bạn: luôn luôn vui vẻ, hòa nhã với các bạn đồng lớp. Nếu bạn yếu kém, phải nương tay, chỉ dẫn, khuyến khích bạn. Khi bạn bị té đau, phải đỡ bạn dậy săn sóc. Gặp trường hợp bị bạn lỡ tay đánh quá mạnh, cũng không giận dữ, cáu kỉnh. Tuyệt đối trách những ý nghĩ thù hằn, đố kỵ. Khi thụ huấn về tinh thần võ đạo, luôn luôn giúp đỡ bạn và học hỏi ở bạn. Tránh tranh luận ồn ào, cướp lời bạn một cách lỗ mãng. 

7 – Tác Phong Của Việt Võ Ðạo Sinh Trong Gia Ðình Ra Sao?
Trong gia đình Việt Võ Ðạo Sinh phải kính mến người trên, yêu mến người đồng hàng và thương mến người dưới.
a) Kính mến người trên: Người trên như ông, bà, cha, mẹ, chú, bác, cô, dì , cậu, mợ. Ta phải ăn ở hiếu thuận và vâng lời dạy bảo. Phải hết lòng lo phụng dưỡng giúp đỡ ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì.
b) Yêu mến người đồng hàng: Người đồng hàng như anh chị em trong nhà, ta phải đối xử hoà thuận, yêu mến và nhường nhịn, chăm lo cho nhau.
c) Thương mến người dưới: Người dưới như con, cháu trong nhà, hay người làm, người giúp việc, ta phải hết lòng thương yêu, quan tâm chăm sóc, dạy dỗ, uốn nắng. Riêng đối với người giúp việc thì phải cư xử rộng lượng chỉ bảo với thái độ ôn hòa thân ái.
Tuyệt đối tránh sử dụng võ khi trong gia đình không may có chuyện bất hòa, vì đó chẳng những là một thái độ vô ý thức mà còn gây sự hiểu lầm về việc giáo dục tinh thần của môn phái ta. 

8 – Tác Phong của Việc Võ Ðạo Sinh Khi Làm Việc Ra Sao?
Khi làm việc, Việt Võ Ðạo Sinh phải ghi nhớ tác phong “con nhà võ” với tinh thần Việt Võ Ðạo: Thận trọng nhưng mau lẹ.
Muốn thế, phải tập phân biệt các giai đoạn của sự việc: lúc tính việc, lúc vào việc và lúc xong việc.
1. Lúc tính việc: Phải có
– Tinh thần thực tiễn: Bắt lấy những sự kiện, không suy luận mò mẫm, kiểu cách, bừa bãi, luộm thuộm, không tưởng, phí phạm thời giờ bàn cãi vô ích.
· Tinh thần xung phong mạo hiểm: Dám làm, ưa thủ thách, không chần chờ, do dự, sợ khó, ngại khổ.
· Lòng nhiệt thành: Hăng hái gánh vác việc đời với tất cả nhuệ khí của tuổi trẻ.
· Tâm hồn chí công vô tư: Nhìn thẳng vào sự việc, đặt nghĩa vụ chung lên trên quyền lợi riêng, không thành kiến mặc cảm cá nhân.
2. Lúc vào việc: Phải có
· Quyết tâm: đã quyết định rồi, là làm ngay, làm cho bằng được, với bất cứ giá nào, không còn chờ đợi gì nữa.
– Mau lẹ: Về cả hành động và phản ứng, trước mọi hoàn cảnh.
– Tháo vát: Nếu hoàn cảnh thay đổi, ứng biến ngay một cách hữu hiệu. Nên nhớ: Tháo vát không phải là vội vàng, hấp tấp, vượt ra ngoài kỷ luật.
– Kiên nhẫn: Sẳn sàng chịu đựng mọi thử thách, mọi khó khăn gian khổ và không sờn lòng thối chí.
– Tinh thần tránh nhiệm: Can đảm làm, chịu đựng lấy, không đổ vấy lỗi cho người này hay người khác, hoặc hoàn cảnh.
– Tinh thần đồng đạo: Luôn luôn đặt quyền lợi môn phái lên trên hết. Không chiếm việc, tranh công, anh hùng cá nhân chủ nghĩa, gây bè kết nhóm.
– Tinh thần bất vụ lợi: Không đòi hỏi, tính toán, mặc cả, tự coi mình như thứ nhân công trước chủ nhân.
3. Lúc xong việc: Phải kiểm điểm lại 4 phần vụ
– Tự kiểm: Kiểm điểm mình trước đã, kiểm điểm cả những cái đúng, tốt và sai, quấy để rút kinh nghiệm.
– Kiểm người: Kiểm đỉểm tiếp theo những cái đúng, tốt và sai, quấy của những người cùng làm việc với ta.
– Kiểm việc: Coi việc ta làm, có những cái gì ưu điểm để phát huy thêm, có những gì là nhược điểm và khuyết điểm để khắc phục, bồi đắp thêm.
– Ðúc việc: Nếu một công việc tương tự lại xảy ra một lần nữa, ta có thể làm khá hơn như thế nào, khắc phục những yếu kém ra sao. 

9 – Tác Phong CủaViệt Võ Ðạo Sinh Khi Biểu Diễn Võ Thuật Ra Sao?
Khi biểu diễn võ thuật, Việt Võ Ðạo Sinh phải chuẩn bị tinh thần và cách thể hiện, vì nhất cử nhất động của người biễu diễn đều sẵn sàng trở thành đề tài khen chê của quần chúng, khán giả.
1. Về tinh thần: Chỉ khi nào có sự cắt cử của môn phái, Việt Võ Ðạo Sinh mới tham dự các cuộc biểu diển võ thuật. Khi biểu diễn, trước hết phải nghĩ đến danh dự của môn phái, đặt hết tinh thần vào cuộc biểu diễn, để truyền vào cảm quan khán giả những đòn thế tinh luyện với sự diễn tả tận tình, hăng say nhưng nhu nhã, dữ dội mạnh liệt, mà vẫn uyển chuyển, nhịp nhàng. Phải giữ đựơc sự huyền nhiệm và biểu dương được nét độc đáo, đặc sắc về võ thuật và tinh thần võ đạo.
2. Về cách thể hiện: Phải trang, đạm, tề, lễ, kỷ.
· Trang: Võ phục trang nhã, gọn gàng.
· Ðạm: Sắc mặt điềm đạm, vui vẻ
· Tề: Cử chỉ tề chỉnh, đường hoàng
· Lễ: Nói chuyện lễ độ, khiêm nhường.
· Kỷ: Triệt để tuân hành kỷ luật cuộc biểu diễn do người điều khiển đề ra. 

10 – Tác Phong Của Việt Võ Ðạo Sinh Khi Giao Dịch Ngoài Xã Hội Ra Sao?
Khi giao dịch ngoài xã hội, Việt Võ Ðạo Sinh phải có thái độ, cách đối thoại, cử chỉ xứng đáng với tinh thần Việt Võ Ðạo.
1. Về thái độ: Cần phải: Ôn tồn, cởi mở, niềm nở, khiêm nhường.
· Ôn tồn: Nhưng không do dự, sợ thảo luận, ba phải.
· Cỏi mở: Nhưng không gặp đâu nói đấy, tiết lộ hết chuyện nội bộ của môn phái cho người ngoài hay.
· Niềm nở: Nhưng khôn nịnh bợ, cầu cạnh, xuồng xã.
· Khiêm nhường: Nhưng không quỳ lụy, khúm núm, tự hạ.
2. Về cách đối thoại: Cần phải
· Ðiều hòa được tình cảm của mình, không quá sôi nổi nóng nảy, cũng như thờ ơ lạnh lùng.
· Hiểu rõ tâm lý người nghe chuyện.
· Hiểu rõ hoàn cảnh người nghe chuyện.
· Biết cách trình bày câu chuyện rõ ràng, mạch lạc.
· Biết cách đối lý và minh chứng, để thuyết phục hay làm tê liệt quan điểm của người đối thoại, khi cần đến.
3. Về cử chỉ: Cần phải
· Thẳng thắn và chững chạc.
· Biết làm dịu tinh thần bằng lòng thái uy nghi hòa dịu.
· Biết ứng biến trước nghịch cảnh bất ngờ. 

11 – Tác Phong Của Việt Võ Ðạo Sinh Khi Giao Tiếp Với Các Võ Phái Bạn Ra Sao?
Khi giao tiếp với các võ phái bạn, phải chú trọng tới việc phát huy tình võ hữu bằng cách luôn luôn thận trọng và nhã nhặn, để nêu cao tình liên ái và giữ gìn uy danh môn phái.

12 – Tác Phong Của Việt Võ Ðạo Sinh Khi Tham Gia Công Tác Xã Hội Ra Sao?
Mặc dầu môn phái VoViNam không phải là một đoàn thể hoạt động công tác xã hội hay một tổ chức cứu tế xã hội, nhưng vì nghĩa vụ chung của tình đồng bào và trước những cảnh ngộ bi thương của đất nước, nên môn phái và các Việt Võ Ðạo Sinh sẵn sàng tham gia công tác xã hội với tinh thần vị tha vô điều kiện.
Vì vậy khi tham gia công tác xã hội, Việt Võ Ðạo Sinh phải giữ đúng tinh thần chí công vô tư, bất vụ lợi của mình, nhưng phải tuyệt đối tránh việc kể ơn, hay có những thái độ, ngôn ngữ, cử chỉ có thể làm người mang ơn tủi thân, hoặc hiểu lầm những việc làm tốt đẹp của ta. Khi tiếp xúc, giúp đỡ họ, phải khéo léo giữ gìn ý tứ, hòa nhã và lễ độ.
Có thế, những hoạt động xã hội của ta mới có ý nghĩa và làm sáng danh môn phái.

13 – Tác Phong Của Việc Võ Ðạo Sinh Ở Những Nơi Công Cộng Ra Sao?
Nơi công cộng là nới ai cũng có thể lui tới. Có nhiều người gặp những người khác dễ quên nhưng cũng có những người có trí nhớ đặc biệt, chỉ gặp một lần là nhớ ngay.
Hơn nữa, nếu ta tin rằng: ta là người có giá trị chớ không phải loại bỏ đi, thì càng được mọi người để ý, theo dõi lắm.
Vì vậy, tại nơi công cộng, Việt Võ Ðạo Sinh cần phải dè dặt, vì tai mắt người xa lạ lúc nào cũng sẵn sàng quan sát và bình phẩm, can thiệp vào sự việc xảy ra chung quanh. Cho nên, không những Việt Võ Ðạo Sinh phải phát huy đạo đức Việt Võ Ðạo, mà còn phải luôn luôn giữ vững và điều hòa kỷ luật tinh thần bản thân, bằng cách chỉnh bị cả thái độ, trang phục, dáng điệu, cử chỉ và cách đối xử.
·
Về thái độ: Tuyệt đối tránh khoe khoang là “người có võ”, là Việt Võ Ðạo Sinh, vì sinh hoạt tại nơi công cộng, không cần đến bất cứ một sự khoe khoang, hãnh diện nào. Tại các nơi đó, việc đánh giá một người nào thường chú trọng ngay tới tư cách của họ. Muốn được mọi người cảm mến phải đàng hoàng, đứng đắn, tử tế với tất cả mọi người.
·
Về trang phục: Dù giàu hay nghèo, lúc nào cũng phải gọn gàng, sạch sẽ, tránh lôi thôi, luộm thuộm, dơ bẩn, vì việc đánh giá người ở nơi công cộng thường chú trọng tới hình thức bên ngoài một phần lớn.
·
Về dáng điệu: Lúc nào cũng ung dung, tươi tỉnh, để gây thiện cảm với mọi người
·
Về cử chỉ: Luôn luôn lịch sự, nhã nhặn, sẵn sàng giúp đỡ mọi người để lưu tình lại.
·
Về cách đối xử: Phải luôn luôn quang minh, hào hiệp, nhất là trong những cách đối xử nhỏ nhặt, thông thường như: dắt người mù lòa, tật nguyền băng qua lộ, vui vẻ chỉ đường cho người chưa thuộc đường, nhường chỗ cho người già cả, yếu đuối, tật nguyền trên ghe đò, xe buýt khi quá chật chội, phân giải và hòa giải những mâu thuẫn thông thường trong đời sống công cộng, bênh những người yếu đuối khi bị áp chế. Ngược lại, khi gặp những khung cảnh công cộng hỗn tạp, lố lăng bừa bãi quá, phải lẳng lặng xa rời nhưng khôn câu nệ, thành kiến, dè bỉu.
Tóm lại, những nơi công cộng, Việt Võ Ðạo Sinh tuyệt đối tránh lối sống buông thả “khuất mắt trong coi” bằng một tinh thần tự kỷ vững chắc, từ thái độ, trang phục, cử chỉ tới cách đối xử với mọi người.

14 – Tác Phong Của Việt Võ Ðạo Sinh Trong Những Buổi Sinh Hoạt Nội Bộ Ra Sao?
Trong những buổi sinh hoạt môn phái, Việt Võ Ðạo Sinh phải có tác phong: Thân ái, hồn nhiên, cởi mở và bao dung.
·
Thân ái: Vì những buổi sinh hoạt nội bộ là những dịp để các đồng môn có dịp tìm hiểu nhau, từ tâm sự, hoàn cảnh tới tài năng, chí hướng của nhau. Nên nhớ: thân ái không phải là gây bè kết nhóm, để gây sự tị hiềm, đố kỵ.
·
Hồn nhiên: Vì những buổi sinh hoạt nội bộ có tính cách gia đình, để mọi người có thể phát huy những cá tính đặc biệt của mỗi người. Nên nhớ: hồn nhiên không phải là bừa bãi, tự do quá trớn như la lối ầm ĩ, nói ẩu, cãi bừa, rồi ngụy biện là “phản ứng tự nhiên”.
·
Cởi mởi: Vì những buổi sinh hoạt nôi bộ có mục đích tạo niềm thông cảm, sự hòa điệu tình cảm của các võ sinh, để tình đồng đạo mỗi ngày một vững bền thêm. Nên nhớ: cởi mở không phải khoe khoang, phách lối, hợm hĩnh, chọc phá, bươi móc nhau.
·
Bao dung: Vì không khí trong những buổi sinh hoạt nội bộ là những cơ hội tốt để các Việt Võ Ðạo Sinh có thể tương trợ nhau, thanh toán những điều hiểu lầm, ngộ nhận. Vì vậy, khi có kinh nghiệm gì quý báu, ta nên đem ra phổ biến để mọi người cùng lãnh hội; và ngược lại, khi đồng đạo có làm điều gì lầm lỗi, ta tha thứ; khi đồng đạo thi triển tài năng, ta cổ võ, khuyến khích để làm tăng thêm nhuệ khí của bạn.
Giữ được 4 điều trên, những buổi sinh hoạt nội bộ của môn phái sẽ gây được tinh thần gia đình và những tình cảm chung kết hợp mọi người bằng một giải đồng tâm kỳ diệu.